Tái cấu trúc - hướng đi tất yếu cho ngành đường giai đoạn 2015-2020

01/01/2015 | AT : 18:44:52

(Vietstock) - Tái cấu trúc là bước đi tất yếu mà các doanh nghiệp ngành mía đường đang lựa chọn, và để khẳng định được thương hiệu ngay trên sân nhà khi quá trình hội nhập đang diễn ra ngày càng sâu rộng, rõ ràng, các nhóm giải pháp tuy không hề mới nhưng đòi hỏi sự quyết liệt và phương pháp vận hành thực sự hiệu quả.

Ngành đường hiện nay như thế nào?

Có thể thấy được rằng, mặt bằng giá đường hiện nay được xem là những thách thức lớn cho cả nhà máy và nông dân. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất, tác động tới chính sách thu mua nguyên liệu cho người trồng mía... Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), niên vụ 2011 - 2012 giá đường dao động 18,000 - 19,000 đồng/kg, sang niên vụ 2012 – 2013 giá đường giảm xuống 14,500 - 15,000 đồng/kg, đến niên vụ 2013 - 2014 giá đường chỉ còn nằm ở vùng giá 12,500 - 13,500 đồng/kg…
 
Vậy làm sao để cân đối được các chi phí gồm chi phí thu mua mía nguyên liệu trong điều kiện chữ đường bình quân chỉ nằm ở mức 8 – 9 CCS, các khoản chi phí đầu vào khác đều tăng… Từ đó, vẫn phải đảm bảo mục tiêu nông dân có lãi, không bỏ cây mía và nhà máy hoạt động hiệu quả. Bài toán tưởng chừng như rất đơn giản, tuy nhiên, có thể thấy hiện nay đã xuất hiện tình trạng có nhà máy chạy càng nhiều càng lỗ.
 
Nhìn ra khu vực, câu chuyện về tái cơ cấu ngành mía đường Thái Lan là một điển hình ấn tượng. Tập đoàn Mitr Phol – Thái Lan đã trở thành tập đoàn mía đường lớn nhất Thái Lan sau hàng loạt các thương vụ M&A, sáp nhập các doanh nghiệp mía đường nhỏ lại với nhau và tiến hành tái cấu trúc các doanh nghiệp đó. Hiện nay, đây là tập đoàn công nghiệp mía đường tầm cỡ thế giới với nhiều nhà máy hoạt động trong và ngoài nước, có tổng công suất 2.5 triệu tấn đường/năm, chiếm 5% sản lượng đường của khu vực Đông Nam Á. Sản lượng đường trong nước của Mitr Phol đạt 1.5 triệu tấn/năm. Cái lợi của việc tái cấu trúc là loại bỏ những điểm yếu và tận dụng, phát huy những điểm mạnh của các bên.
 
Và bài toán M&A này cũng đã được chứng kiến trong năm qua tại thị trường trong nước. Như thương vụ M&A của CTCP Đường Biên Hoà (BHS) và CTCP Đường Ninh Hoà (NHS), sau khi về một nhà và tái cấu trúc thì BHS sẽ trở thành doanh nghiệp mía đường có năng lực sản xuất dẫn đầu ngành. Ngoài ra, với thế mạnh về công nghệ sản xuất, BHS sẽ giúp NHS hoàn thiện các dòng sản phẩm, nâng cao trình độ công nghệ, hỗ trợ NHS kinh nghiệm trong việc phát triển và kinh doanh các dòng sản phẩm chất lượng cao…
 

Sau M&A sẽ là gì để chủ động cho Chiến lược giai đoạn 2015 – 2020?

Có lẽ đây là câu hỏi dành được nhiều sự quan tâm nhất, làm cách gì và như thế nào để có thể chủ động được ngay trên sân nhà, khi mà tiến trình hội nhập AFTA 2015 đang đến gần? Và M&A là phương tiện để thực hiện những giải pháp cụ thể gì?
 

Chiến lược vùng nguyên liệu

Bài toán đầu tiên của ngành mía đường luôn là làm sao giải quyết được vùng mía nguyên liệu tập trung và ổn định. Bởi đây là yếu tố cực kỳ quan trọng khi nguyên liệu chiếm tới 90% giá thành sản xuất. Việt Nam có 4 vùng trồng mía chính là Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong đó, Đồng bằng Sông Cửu Long có năng suất mía cao nhất cả nước.
 
Tuy nhiên, hầu hết vùng nguyên liệu mang tính manh mún, nông dân tự trồng tự quản lý. Điểm yếu của phương thức này là nguyên liệu dễ bị thiếu hụt do nông dân bỏ mía trồng cây khác có lợi nhuận cao hơn, như sắn hay cao su và chất lượng cây mía không cao.
 
Tuy nhiên, vùng nguyên liệu của mỗi doanh nghiệp lại phụ thuộc vào vị trí địa lý, thổ nhưỡng, cơ cấu cây trồng và đôi khi còn tác động bởi văn hoá địa phương. Vì thế không phải doanh nghiệp nào cũng có thể ở gần vùng nguyên liệu hay tập trung được các vùng nguyên liệu để thực hiện “mô hình cánh đồng mẫu lớn”. Và ví dụ về thương vụ M&A của CTCP Mía đường – Nhiệt điện Gia Lai (SEC) có vùng nguyên liệu lớn và ổn định với CTCP Mía đường Thành Thành Công – Tây Ninh (TTCS - SBT) có công nghệ kỹ thuật hiện đại đã cho thấy khả năng tạo nên một lợi thế cạnh tranh đáng kể.
 

Chiến lược sản xuất và kinh doanh

Điều hiển nhiên quan trọng không kém là việc duy trì năng lực sản xuất bền vững, tiết giảm chuỗi chi phí kỹ thuật qua việc tổ chức sản xuất hợp lý, có như vậy mới đảm bảo được tính hiệu quả khi công suất các nhà máy nâng lên vượt trội qua hoạt động M&A. Đây cũng chính là nền tảng ổn định cho việc đa dạng sản phẩm ngành đường với chất lượng tối ưu nhất, hướng về người tiêu dùng.
 
Về công tác thị trường, tất cả những lợi thế trên chỉ có thể phát huy và thể hiện được thành quả nếu như các doanh nghiệp ngành đường có chiến lược kinh doanh bền vững và cụ thể. Theo nhận định của GS TS Võ Tòng Xuân, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Mía đường Thành Thành Công “đối với vùng nguyên liệu thì các doanh nghiệp ngành đường cần nâng cao năng suất đường bình quân lên 7.5 tấn đường/ha, đảm bảo giá thành mía, nâng cao lợi nhuận cho nông dân”. Đối với sản xuất, các doanh nghiệp mía đường cần phải đảm bảo chất lượng, giảm chuỗi chi phí kỹ thuật, phát triển các dòng sản phẩm tiện dụng và các sản phẩm cạnh đường, sau đường,… Đối với thị trường, cần xác định lại nhu cầu và phân khúc khách hàng, nghiên cứu và phát triển đa dạng sản phẩm, phát triển hệ thống kênh phân phối giúp gia tăng thị phần tiêu thụ cả nước.
 
Khai trương Brandshop của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) tại Nha Trang.
 
Brandshop là chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm tiếp tục được hình thành phục vụ cho việc trưng bày, thương mại hóa và phân phối không chỉ các sản phẩm của ngành đường TTC mà còn các sản phẩm từ ngành nông sản TTC như nước dừa, sữa dừa, cơm dừa, chè Ngọc Bảo... Các cửa hàng không chỉ là sự bảo chứng cho các sản phẩm, dịch vụ mà còn là sự khuếch trương thương hiệu đồng bộ và hiệu quả cho TTC.
 
Như vậy, có thể thấy tái cấu trúc là bước đi tất yếu mà các doanh nghiệp ngành mía đường đang lựa chọn, và để khẳng định được thương hiệu ngay trên sân nhà khi quá trình hội nhập đang diễn ra ngày càng sâu rộng, rõ ràng, các nhóm giải pháp tuy không hề mới nhưng đòi hỏi sự quyết liệt và phương pháp vận hành thực sự hiệu quả, có như vậy, mới cụ thể hóa được các mục tiêu cần thực hiện cho chiến lược phát triển thời gian tới.
 
Bức tranh về công tác tái cấu trúc và các bước đi M&A có lẽ đã được chứng kiến cụ thể qua sự chuyển biến của các doanh nghiệp ngành đường trong năm qua, một trong số đó, có thể thấy rõ nhất chính là các doanh nghiệp mía đường Tập đoàn Thành Thành Công - TTC (ThanhThanhCong). Các giải pháp kiện toàn hoạt động, nâng cao và đảm bảo năng lực cạnh tranh của Tập đoàn cũng đã được chia sẻ. Duy chỉ có một vấn đề cũng đang khiến ngành mía đường và giới quan sát đang quan tâm, đó là bước đi nào về mặt nhân sự cho các doanh nghiệp có quy mô và kỳ vọng hoạt động lớn hơn rất nhiều như vậy sau M&A? Sau Tân CEO trẻ đầy tiềm năng của TTCS – ông Nguyễn Thanh Ngữ, sẽ là các vị trí quản lý then chốt tại công ty nào?
 
Như vậy, các doanh nghiệp cùng nhau tái cấu trúc sẽ tạo nên một làn sóng về luân chuyển nhân sự, đặc biệt, khi các yêu cầu về phát triển hoạt động đang cần nhanh hơn, mạnh hơn nữa. Và giải pháp về nguồn nhân sự cũng chính là một trong các chìa khóa then chốt để đạt được các kỳ vọng phát triển. Khi “con người chính là tài sản quý giá nhất của tổ chức” thì công tác tổ chức nhân sự chính là nền tảng hiện thực hóa trọn vẹn hoạt động tái cấu trúc, và sẵn sàng nhất cho Chiến lược phát triển các Công ty ngành đường nói riêng cũng như ngành mía đường nói chung trước ngưỡng cửa hội nhập.
 

Tin khác